Lịch sử Đức

Bài chi tiết: Lịch sử Đức
Đĩa bầu trời Nebra, khoảng 1600 TCN

Việc phát hiện Di cốt Mauer cho thấy rằng người cổ đại hiện diện tại Đức từ ít nhất là 600.000 năm trước.[14] Các vũ khí săn bắn hoàn thiện cổ nhất được phát hiện trên thế giới nằm trong một mỏ than tại Schöningen, tại đó khai quật được ba chiếc lao bằng gỗ có niên đại 380.000 năm.[15] Thung lũng Neandertal là địa điểm phát hiện di cốt người phi hiện đại đầu tiên từng biết đến; loài người mới này được gọi là Neanderthal. Các hóa thạch Neanderthal 1 được cho là có niên đại 40.000 năm tuổi. Bằng chứng về người hiện đại có niên đại tương tự được phát hiện trong các hang tại Dãy Schwäbische Alb gần Ulm. Trong những vật được tìm thấy có các sáo bằng xương chim và ngà voi ma mút 42.000 năm tuổi- là các nhạc cụ cổ nhất từng phát hiện được,[16] Tượng người sư tử thời đại băng hà 40.000 năm tuổi là nghệ thuật tạo hình không thể tranh luận cổ nhất từng phát hiện được,[17]Tượng Venus ở Hohle Fels 35.000 năm tuổi là nghệ thuật tạo hình con người không thể tranh luận cổ nhất từng phát hiện được.[18] Đĩa bầu trời Nebra là một đồ tạo tác bằng đồng điếu được tạo ra trong thời đại đồ đồng châu Âu được quy cho một địa điểm gần Nebra, Sachsen-Anhalt. Nó nằm trong Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO.[19]

Các bộ lạc German và Đế quốc Frank

Di cư tại châu Âu (100–500 CN)

Các bộ lạc German được cho là có niên đại từ Thời đại đồ đồng Bắc Âu hoặc Thời đại đồ sắt tiền La Mã. Từ miền nam Scandinavia và miền bắc Đức ngày nay, họ bành trướng về phía nam, đông và tây từ thế kỷ I TCN, tiếp xúc với các bộ lạc Celt tại Gallia, cũng như với các bộ lạc Iran, Balt, Slav tại Trung và Đông Âu.[20] Dưới thời Augustus, La Mã (Roma) bắt đầu xâm chiếm khu vực Germania (tức khu vực có cư dân chủ yếu là người German). Năm 9 CN, ba quân đoàn La Mã dưới quyền Varus thất bại trước thủ lĩnh Arminius của bộ lạc Cherusker. Đến năm 100 CN, khi Tacitus viết sách Germania, các bộ lạc German đã định cư dọc sông Rhinesông Danube, chiếm hầu hết lãnh thổ Đức ngày nay; tuy nhiên Áo, Baden-Württemberg, miền nam Bayern, miền nam Hesse và miền tây Rheinland thuộc các tỉnh của La Mã.[21]

Đến thế kỷ III, một số lượng lớn các bộ lạc Tây German nổi lên: Alemanni, Frank, Chatti, Sachsen, Frisii, Sicambri và Thuringii. Khoảng năm 260, các dân tộc German đột nhập vào các khu vực do La Mã kiểm soát.[22] Sau cuộc xâm chiếm của người Hung vào năm 375, và La Mã suy tàn từ năm 395, các bộ lạc German di chuyển xa hơn về phía tây-nam. Một vài bộ lạc lớn được hình thành đồng thời tại khu vực nay là Đức và thay thế hoặc hấp thu các bộ lạc German nhỏ hơn. Các khu vực rộng lớn mang tên gọi là Austrasia, Neustria, và Aquitaine vào giai đoạn Merowinger bị người Frank chinh phục, họ lập ra Vương quốc Frank, và bành trướng hơn nữa về phía đông nhằm khuất phục Sachsen và Bayern. Các khu vực nay là phần đông của Đức là nơi các bộ lạc Tây Slav cư trú: Sorb, Veleti và liên minh Obotrit.[21]

Đông Frank và Đế quốc La Mã Thần thánh

Năm 800, Quốc vương Frank Charlemagne đăng quang hoàng đế và lập ra Đế quốc Karoling, đế quốc này tồn tại đến năm 843 thì bị những người thừa kế của ông phân chia.[23] Sau khi Vương triều Frank tan vỡ, lịch sử Đức trong vòng 900 năm gắn chặt với lịch sử của Đế quốc La Mã Thần thánh,[24] là thế lực nổi lên sau đó từ phần phía đông đế quốc ban đầu của Charlemagne. Lãnh thổ này ban đầu được gọi là Đông Frank, trải dài từ sông Rhine ở phía tây đến sông Elbe ở phía đông, và từ biển Bắc đến dãy Alpen.[23]

Những quân chủ của Vương triều Otto (919–1024) hợp nhất một số công quốc lớn và Quốc vương người German/Đức Otto I đăng quang Hoàng đế La Mã Thần thánh của các khu vực này vào năm 962. Năm 996, Giáo hoàng Grêgôriô V trở thành giáo hoàng người Đức đầu tiên, do người họ hàng của ông là Otto III bổ nhiệm- không lâu sau đăng quang Hoàng đế La Mã Thần thánh. Đế quốc La Mã Thần thánh sáp nhập miền bắc Ý ngày nay và khu vực Bourgogne nay thuộc Pháp dưới thời trị vì của các hoàng đế thuộc Gia tộc Salier (1024–1125), song các hoàng đế mất đi quyền lực do tranh luận phong chức với giáo hội.[25]

Martin Luther (1483–1546) khởi đầu Cải cách Kháng nghị.

Trong thế kỷ XII, dưới thời các hoàng đế thuộc Gia tộc Staufer (1138–1254), các vương công Đức thay vào đó gia tăng ảnh hưởng của họ về phía nam và phía đông đến các lãnh thổ mà người Slav cư trú; họ khuyến khích người Đức định cư tại các khu vực này, gọi là phong trào định cư miền đông (Ostsiedlung). Các thành viên của Liên minh Hanse hầu hết là các thành thị miền bắc Đức, họ thịnh vượng nhờ mở rộng mậu dịch.[26] Tại phương nam, Công ty Mậu dịch Đại Ravensburg (Große Ravensburger Handelsgesellschaft) giữ chức năng tương tự. Hoàng đế Karl IV ban hành sắc lệnh Goldene Bulle vào năm năm 1356, tạo cấu trúc hiến pháp cơ bản của Đế quốc, và hệ thống hóa tuyển cử hoàng đế bởi bảy tuyển đế hầu- là những người cai trị một số thân vương quốc và tổng giáo phận mạnh nhất.[27]

Dân số suy giảm trong nửa đầu thế kỷ XIV, bắt đầu từ nạn đói lớn năm 1315, tiếp đến là Cái chết Đen năm 1348–50.[28] Tuy vậy, các nghệ sĩ, kỹ sư và nhà khoa học Đức phát triển một loạt các kỹ thuật tương tự như thứ được các nghệ sĩ và nhà thiết kế Ý sử dụng vào đương thời, những người phát triển hưng thịnh tại các thành bang thương nghiệp như Venezia, FirenzeGenova. Các trung tâm nghệ thuật và văn hóa khắp các quốc gia Đức sản sinh các nghệ sĩ như họa sĩ Hans Holbein và con trai, và Albrecht Dürer. Johannes Gutenberg giới thiệu in ấn kiểu di động đến châu Âu, đây là một bước phát triển đặt cơ sở để truyền bá kiến thức đến đại chúng.[29]

Đế quốc La Mã Thần thánh vào năm 1648, sau Hòa ước Westfalen để kết thúc Chiến tranh Ba mươi Năm

Năm 1517, tu sĩ Martin Luther tuyên bố 95 luận đề, thách thức Giáo hội Công giáo La Mã và khởi xướng Cải cách Kháng nghị. Năm 1555, Hòa ước Augsburg công nhận Giáo hội Luther là một lựa chọn có thể chấp thuận thay cho Công giáo La Mã, song cũng ra sắc chỉ rằng đức tin của vương công là đức tin của các thần dân của ông ta, một nguyên tắc gọi là "lãnh địa của ai thì tôn giáo theo người đó". Thỏa thuận tại Augsburg thất bại trong việc xác định các đức tin tôn giáo khác: chẳng hạn Thần học Calvin (đức tin Cải cách) vẫn bị cho là dị giáo và nguyên tắc không giải quyết khả năng cải đạo của một người thống trị giáo hội, như từng diễn ra tại Tuyển hầu quốc Köln vào năm 1583. Từ Chiến tranh Köln cho đến khi kết thúc Chiến tranh Ba mươi Năm (1618–1648), xung đột tôn giáo tàn phá các vùng đất Đức.[30] Chiến tranh Ba mươi Năm làm giảm dân số tổng thể của các quốc gia Đức đến khoảng 30%, và lên đến 80% tại một số nơi.[31] Hòa ước Westfalen kết thúc chiến tranh tôn giáo giữa các quốc gia Đức.[30] Các quân chủ Đức có thể lựa chọn Công giáo Rôma, Lutheran hoặc Calvinist làm tôn giáo chính thức của họ sau năm 1648.[32]

Trong thế kỷ XVIII, Đế quốc La Mã Thần thánh gồm có khoảng 1.800 lãnh thổ.[33] Hệ thống pháp lý phức tạp khởi đầu từ một loạt cải cách (khoảng 1450–1555) tạo ra các lãnh thổ đế quốc, và tạo ra quyền tự trị địa phương đáng kể tại các quốc gia tăng lữ, thế tục và thế tập, được phản ánh tại Quốc hội Đế quốc. Gia tộc Habsburg nắm giữ đế vị từ năm 1438 cho đến khi Karl VI mất vào năm 1740. Do không có nam giới thừa kế, ông thuyết phục các tuyển đế hầu duy trì quyền bá chủ của gia tộc Habsburg đối với chức hoàng đế bằng việc chấp thuận một chiếu thư vào năm 1713. Điều này cuối cùng được giải quyết nhờ Chiến tranh Kế vị Áo; theo Hiệp ước Aix-la-Chapelle, chồng của Công chúa Maria Theresa trở thành Hoàng đế La Mã Thần thánh, còn bà cai trị đế quốc với thân phận hoàng hậu. Từ năm 1740, cạnh tranh giữa Vương triều Habsburg Áo và Vương quốc Phổ chi phối lịch sử Đức.

Năm 1772, sau đó là vào năm 1793 và 1795, hai quốc gia Đức chiếm ưu thế là Phổ và Áo đã cùng với Đế quốc Nga thỏa thuận phân chia Ba Lan với nhau. Kết quả là hàng triệu cư dân nói tiếng Ba Lan thuộc quyền thống trị của hai chế độ quân chủ Đức. Tuy nhiên, các lãnh thổ bị sáp nhập vào Phổ và Áo không được nhìn nhận về pháp lý là bộ phận của Đế quốc La Mã Thần thánh.[34][35]

Trong thời kỳ Chiến tranh Cách mạng Pháp, cùng với việc xuất hiện thời kỳ Napoléon và sau đó là phiên họp cuối cùng của Quốc hội Đế quốc, hầu hết các thành phố đế quốc tự do thế tục được sáp nhập vào lãnh thổ của các vương triều; các lãnh thổ tăng lữ bị thế tục hóa và sáp nhập. Năm 1806, Đế quốc La Mã Thần thánh bị giải thể; các quốc gia Đức, đặc biệt là các quốc gia Rheinland, nằm dưới ảnh hưởng của Pháp. Cho đến năm 1815, Nga, Phổ và Vương triều Habsburg cạnh tranh quyền bá chủ trong các quốc gia Đức thời Chiến tranh Napoléon.[36]

Bang liên và Đế quốc Đức

Bài chi tiết: Đế quốc Đức

Sau khi Napoléon thất bại, Đại hội Wien (triệu tập vào năm 1814) hình thành Bang liên Đức (Deutscher Bund), một liên minh không chặt chẽ của hàng chục quốc gia có chủ quyền. Hoàng đế Áo được bổ nhiệm làm tổng thống vĩnh viễn của Bang liên, phản ánh việc Đại hội không chấp thuận ảnh hưởng của Phổ trong các quốc gia Đức, và làm trầm trọng cạnh tranh trường kỳ giữa quyền lợi của Gia tộc Hohenzollern cai trị Phổ và Gia tộc Habsburg cai trị Áo. Bất đồng về kết quả của Đại hội góp phần khiến các phong trào tự do nổi lên, tiếp đó là các biện pháp đàn áp mới của chính khách Áo Metternich. Liên minh thuế quan Zollverein xúc tiến thống nhất kinh tế trong các quốc gia Đức.[37] Các tư tưởng dân tộc và tự do của Cách mạng Pháp được ủng hộ ngày càng tăng trong nhiều người Đức, đặc biệt là thanh niên. Lễ hội Hambach vào tháng 5 năm 1832 là một sự kiện chính nhằm ủng hộ thống nhất Đức, tự do và dân chủ. Trong bối cảnh một loạt phong trào cách mạng diễn ra tại châu Âu, lập ra một cộng hòa tại Pháp, giới trí thức và thường dân bắt đầu tiến hành cách mạng tại các quốc gia Đức vào năm 1848. Quốc vương Friedrich Wilhelm IV của Phổ được đề nghị tước hiệu hoàng đế song với quyền lực hạn chế; ông bác bỏ đế vị và đề xuất hiến pháp, dẫn đến một bước lùi tạm thời cho phong trào.[38]

Thành lập Đế quốc Đức tại Versailles vào năm 1871. Bismarck tại trung tâm với đồng phục màu trắng.

Quốc vương Wilhelm I bổ nhiệm Otto von Bismarck làm Thủ tướng Phổ vào năm 1862. Bismarck kết thúc thắng lợi chiến tranh với Đan Mạch vào năm 1864, giúp xúc tiến lợi ích của Đức tại bán đảo Jylland. Tiếp đến là thắng lợi quyết định của Phổ trong chiến tranh với Áo vào năm 1866, cho phép Bismarck lập ra Bang liên Bắc Đức (Norddeutscher Bund) không bao gồm Áo. Sau khi Pháp thất bại trong Chiến tranh Pháp-Phổ, các vương công Đức tuyên bố thành lập Đế quốc Đức vào năm 1871 tại Versailles, thống nhất toàn bộ các bộ phận rải rác của Đức ngoại trừ Áo. Phổ là quốc gia cấu thành chi phối đế quốc mới; Quốc vương Phổ thuộc Gia tộc Hohenzoller cai trị Đức với thân phận Hoàng đế, và Berlin trở thành thủ đô của đế quốc.[38]

Đế quốc Đức (1871–1918), Vương quốc Phổ có màu lam

Trong giai đoạn [Gründerzeit] lỗi: {{lang}}: văn bản có thẻ đánh dấu in xiên (trợ giúp) sau khi Thống nhất nước Đức, chính sách ngoại giao của Thủ tướng Đức Bismarck dưới quyền Hoàng đế Wilhelm I là đảm bảo vị thế đại quốc của Đức bằng các liên minh giả mạo, cô lập Pháp theo các cách thức ngoại giao, và tránh chiến tranh. Dưới thời Wilhelm II, Đức cũng như các cường quốc châu Âu khác bước vào tiến trình chủ nghĩa đế quốc, dẫn đến xích mích với các quốc gia láng giềng. Hầu hết các liên minh mà Đức tham gia trước đó không được gia hạn. Kết quả là hình thành một liên minh kép với Đế quốc Áo-Hung đa dân tộc. Sau đó, Liên minh Tam cường 1882 có thêm Ý, hoàn thành một liên minh địa lý Trung Âu, thể hiện lo ngại của người Đức, Áo và Ý trước khả năng Pháp và/hoặc Nga xâm nhập chống lại họ. Tương tự, Anh, Pháp và Nga cũng dàn xếp liên minh nhằm bảo vệ họ chống lại can thiệp của Vương triều Habsburg đến các quyền lợi của Nga tại Balkan hay Đức can thiệp chống Pháp.[39]

Tại Hội nghị Berlin vào năm 1884, Đức yêu sách một vài thuộc địa gồm Đông Phi thuộc Đức, Tây-Nam Phi thuộc Đức, TogolandKamerun.[40] Sau đó, Đức bành trướng đế quốc thực dân của mình thêm đến Tân Guinea thuộc Đức, Micronesia thuộc Đức và Samoa thuộc Đức tại Thái Bình Dương, và Vịnh Giao Châu tại Trung Quốc. Từ năm 1904 đến năm 1907, chính phủ thực dân Đức tại Tây-Nam Phi (nay là Namibia) ra lệnh tiêu diệt người bản địa Herero và Namaqua.[41][42]

Vụ ám sát thái tử của Áo vào ngày 28 tháng 6 năm 1914 tạo cớ để Đế quốc Áo-Hung tấn công Serbia và kích hoạt Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau bốn năm giao tranh, có khoảng hai triệu binh sĩ Đức bị giết,[43] một thỏa thuận đình chiến tổng thể kết thúc giao tranh vào ngày 11 tháng 11, và các binh sĩ Đức trở về quê. Trong Cách mạng Đức tháng 11 năm 1918, Hoàng đế Wilhelm II và toàn bộ các vương công cai trị tại Đức phải thoái vị. Ban lãnh đạo chính trị mới của Đức ký kết Hòa ước Versailles vào năm 1919. Theo hiệp định này, Đức với tư cách là bộ phận của Liên minh Trung tâm chấp thuận chiến bại trước Đồng Minh. Người Đức nhận định hiệp định này là điều sỉ nhục và bất công, và sau này được các sử gia cho là ảnh hưởng đến việc Adolf Hitler vươn lên.[44][45][46] Sau khi chiến bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức bị mất khoảng 30% lãnh thổ của họ tại châu Âu (các khu vực này có cư dân chủ yếu là người thuộc dân tộc Ba Lan, Pháp và Đan Mạch), và toàn bộ thuộc địa tại châu Phi và Thái Bình Dương.[47]

Cộng hòa Weimar và Đức Quốc xã

Philipp Scheidemann tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Đức vào ngày 9 tháng 11 năm 1918.

Đức được tuyên bố là một nước cộng hòa vào đầu Cách mạng Đức tháng 11 năm 1918. Đến ngày 11 tháng 8 năm 1919, Tổng thống Friedrich Ebert ký Hiến pháp Weimar dân chủ.[48] Trong đấu tranh quyền lực tiếp sau, phái cộng sản cánh tả cấp tiến đoạt quyền tại Bayern, song các thành phần bảo thủ tại các địa phương khác của Đức nỗ lực lật đổ Cộng hòa trong Kapp Putsch. Nó nhận được ủng hộ từ một bộ phận trong Reichswehr (quân sự) và các phái bảo thủ, dân tộc và bảo hoàng khác. Sau một giai đoạn náo loạn có giao tranh đổ máu trên đường phố tại các trung tâm công nghiệp lớn, binh sĩ Bỉ và Pháp chiếm đóng Ruhr và lạm phát gia tăng với đỉnh điểm là lạm phát phi mã năm 1922-1923, một kế hoạch tái cơ cấu nợ và tạo một tiền tệ mới vào năm 1924 mở ra Thập niên 20 hoàng kim, một thời kỳ gia tăng sáng tạo nghệ thuật và sinh hoạt văn hóa tự do. Tuy nhiên, bên dưới đó lại tạo ra luồng tư tưởng oán hận và thất vọng về Hòa ước Versailles, được nhìn nhận phổ biến là đâm sau lưng, tạo cơ sở tư tưởng bài Do Thái trong các thập niên sau.[49] Các sử gia mô tả giai đoạn từ 1924 đến 1929 là "ổn định cục bộ".[50] Đại khủng hoảng toàn cầu lan đến Đức vào năm 1929. Sau bầu cử liên bang vào năm 1930, chính phủ của Thủ tướng Heinrich Brüning được Tổng thống Paul von Hindenburg trao quyền hành động mà không cần nghị viện phê chuẩn. Chính phủ của Brüning theo đuổi chính sách khắc khổ tài chính và giảm lạm phát, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao đến gần 32% vào năm 1932.[51]

Đảng Quốc xã dưới quyền lãnh đạo của Adolf Hitler giành thắng lợi trong bầu cử liên bang đặc biệt năm 1932. Sau một loạt các nội các thất bại, Hindenburg bổ nhiệm Hitler làm thủ tướng của Đức vào năm 1933.[52] Sau vụ hỏa hoạn tại Tòa nhà Quốc hội vào cùng năm, một sắc lệnh đã bãi bỏ các dân quyền cơ bản, và trong vài tuần trại tập trung Quốc xã tại Dachau được mở cửa.[53][54] Đạo luật Cho quyền năm 1933 trao cho Hitler quyền lực lập pháp không bị hạn chế; sau đó, chính phủ của ông tạo ra một nhà nước toàn trị tập trung hóa, rút khỏi Hội Quốc Liên sau một cuộc trưng cầu dân ý quốc gia, và bắt đầu tái vũ trang quân sự.[55]

Adolf Hitler là nhà lãnh đạo của Đức Quốc xã (1933–1945)

Sử dụng cách thức chi tiêu thâm hụt, một chương trình do chính phủ bảo trợ nhằm khôi phục kinh tế tập trung vào các dự án công trình công cộng. Trong các dự án công trình cộng cộng vào năm 1934, 1,7 triệu người Đức lập tức có công việc, trao cho họ thu nhập và phúc lợi xã hội.[56] Dự án nổi tiếng nhất là đường bộ cao tốc gọi là autobahn.[57] Các dự án xây dựng chủ yếu khác gồm các hạ tầng thủy điện như Đập Rur, cung cấp nước như Đập Zillierbach, và trung tâm vận chuyển như Ga Zwickau Hauptbahnhof.[58] Trong 5 năm tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh và lương trung bình theo giờ và theo tuần đều tăng lên.[59]

Năm 1935, chế độ Quốc xã rút khỏi Hòa ước Versailles và áp dụng Luật Nürnberg nhắm mục tiêu vào người Do Thái và các dân tộc thiểu số khác. Đức cũng giành lại quyền kiểm soát Saar vào năm 1935,[60] sáp nhập Áo vào năm 1938, và chiếm đóng Tiệp Khắc vào đầu năm 1939 bất chấp Hiệp ước München.

Tháng 9 năm 1939, chính phủ của Hitler đàm phán và ký kết Hiệp ước Molotov–Ribbentrop theo đó phân chia Đông Âu thành các khu vực ảnh hưởng của Đức và Liên Xô. Sau hiệp ước này, vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 Đức xâm chiếm Ba Lan, đánh dấu bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai.[61][62] Phản ứng trước hành động của Hitler, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức.[63] Đến mùa xuân năm 1940, Đức chinh phục Đan Mạch và Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, và Pháp. Anh Quốc đẩy lui các cuộc không kích của Đức trong Không chiến tại Anh Quốc vào cùng năm. Đến năm 1941, binh sĩ Đức xâm chiếm Nam Tư, Hy LạpLiên Xô. Đến năm 1942, Đức và các thế lực Phe Trục khác kiểm soát hầu hết châu Âu lục địa và Bắc Phi, song từ sau chiến thắng của Liên Xô trong Trận Stalingrad, Đồng Minh tái chiếm Bắc Phi và xâm chiếm Ý vào năm 1943, quân Đức chịu các thất bại quân sự liên tiếp.[61] Đến tháng 6 năm 1944, Đồng Minh phương Tây đổ bộ tại Pháp và Liên Xô tiến vào Đông Âu. Sau khi Hitler tự sát trong Trận Berlin, quân đội Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai tại châu Âu.[64]

Trong các hành động mà về sau được gọi là Holocaust, chính phủ Đức ngược đãi các cộng đồng thiểu số và sử dụng một hệ thống trại tập trung và hành quyết trên khắp châu Âu để tiến hành diệt chủng những người mà họ cho là thuộc chủng tộc hạ đẳng. Tổng cộng, có trên 10 triệu thường dân bị sát hại có hệ thống, trong đó có sáu triệu người Do Thái, từ Đức và các quốc gia bị Đức chiếm đóng.[65] Chính sách của Quốc xã tại các quốc gia bị Đức chiếm đóng gây ra cái chết của 2,7 triệu người Ba Lan,[66] 1,3 triệu người Ukraina,[67] và ước tính lên đến 2,8 triệu tù binh Liên Xô.[67][68] Số binh sĩ Đức tử vong do chiến tranh ước tính là 3,2-5,3 triệu,[69] và có đến 2 triệu thường dân Đức thiệt mạng.[70] Khoảng 12 triệu người dân tộc Đức bị trục xuất khỏi Đông Âu (gồm lãnh thổ bị mất). Đức phải nhượng lại khoảng một phần tư lãnh thổ trước chiến tranh của mình.[9] Sau chiến tranh, nhiều cựu thành viên của chế độ Quốc xã bị xét xử vì tội ác chiến tranh tại Tòa án Nürnberg.[68][71]

Đông Đức và Tây Đức

Các khu vực chiếm đóng tại Đức vào năm 1947. Các lãnh thổ về phía đông Giới tuyến Oder-Neisse bị Ba Lan và Liên Xô sáp nhập, và Lãnh thổ bảo hộ Saar do Pháp kiểm soát có màu vàng nhạt.

Sau khi Đức đầu hàng, Đồng Minh phân chia Berlin và lãnh thổ còn lại của Đức thành bốn khu vực chiếm đóng quân sự. Các khu vực miền tây do Pháp, Anh và Hoa Kỳ kiểm soát được hợp nhất vào ngày 23 tháng 5 năm 1949 để hình thành Cộng hòa Liên bang Đức (Bundesrepublik Deutschland); đến ngày 7 tháng 10 năm 1949, khu vực do Liên Xô chiếm đóng trở thành Cộng hòa Dân chủ Đức (Deutsche Demokratische Republik). Hai quốc gia lần lượt được gọi không chính thức là "Tây Đức" và "Đông Đức". Đông Đức chọn Đông Berlin làm thủ đô, còn Tây Đức chọn Bonn làm thủ đô lâm thời, nhằm nhấn mạnh lập trường của mình rằng giải pháp hai nhà nước là một tình trạng nhân tạo và tạm thời.[72]

Tây Đức là một nước cộng hòa nghị viện liên bang, theo "kinh tế thị trường xã hội". Bắt đầu vào năm 1948 Tây Đức trở thành một quốc gia nhận viện trợ tái thiết chính trong Kế hoạch Marshall và sử dụng viện trợ này để tái thiết ngành công nghiệp của mình.[73] Konrad Adenauer được bầu làm thủ tướng liên bang (Bundeskanzler) đầu tiên của Đức vào năm 1949 và vẫn giữ chức vụ này cho đến năm 1963. Dưới quyền lãnh đạo của ông và Ludwig Erhard, Tây Đức có tăng trưởng kinh tế dài hạn bắt đầu từ đầu thập niên 1950, được cho là một "kì tích kinh tế" (Wirtschaftswunder).[74] Tây Đức gia nhập NATO vào năm 1955 và là một thành viên sáng lập của Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1957.

Bức tường Berlin khi nó sụp đổ vào năm 1989, nền là Cổng Brandenburg.

Đông Đức là một quốc gia thuộc Khối phía Đông, nắm dưới quyền kiểm soát chính trị và quân sự của Liên Xô thông qua lực lượng chiếm đóng và Khối Warszawa. Mặc dù Đông Đức tự nhận là một quốc gia dân chủ, song quyền lực chính trị do các thành viên Bộ chính trị của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức độc quyền thi hành, được hỗ trợ từ cơ quan an ninh mật Stasi.[75] Một nền kinh tế chỉ huy theo kiểu Liên Xô được lập nên và Đông Đức trở thành một quốc gia thuộc Hội đồng Tương trợ Kinh tế SEV.[76] Tuyên truyền của Đông Đức dựa trên quyền lợi của các chương trình xã hội do chính phủ thực hiện, và liên tục cáo buộc mối đe dọa về Tây Đức xâm chiếm, song nhiều công dân của Đông Đức nhìn nhận phương Tây đại diện cho tự do và thịnh vượng.[77] Bức tường Berlin được xây dựng vào năm 1961 ngằm ngăn người Đông Đức đào thoát sang Tây Đức, nó trở thành một tượng trưng cho Chiến tranh Lạnh.[38] Sự kiện bức tường này sụp đổ vào năm 1989 trở thành một tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, tái thống nhất Đức và bước ngoặt tại Đông Đức (Die Wende).[78]

Căng thẳng giữa Đông Đức và Tây Đức giảm thiểu vào đầu thập niên 1970 do chính sách mới của Thủ tướng Willy Brandt đối với phía Đông. Trong mùa hè năm 1989, Hungary quyết định phá Bức màn sắt và mở cửa biên giới, khiến hàng nghìn người Đông Đức nhập cư đến Tây Đức qua Hungary. Điều này có tác động tàn phá đến Đông Đức, tại đây các cuộc tuần hành đại chúng định kỳ nhận được ủng hộ ngày càng lớn. Nhà đương cục Đông Đức nới lỏng hạn chế biên giới, cho phép công dân Đông Đức đi sang Tây Đức; ban đầu nhằm giúp duy trì Đông Đức, song việc mở cửa biên giới thực tế dẫn đến tăng tốc chương trình cải cách Wende. Đỉnh điểm của chương trình này là Hiệp ước 2 + 4 vào ngày 12 tháng 9 năm 1990, theo đó bốn thế lực chiếm đóng từ bỏ mọi quyền lợi của họ theo Văn kiện Đầu hàng trước đây, và Đức thu hồi chủ quyền đầy đủ. Điều này cho phép Tái thống nhất Đức vào ngày 3 tháng 10 năm 1990, khi Cộng hòa Liên bang Đức tiếp nhận năm bang tái lập của Cộng hòa Dân chủ Đức cũ.[38]

Nước Đức Thống nhất

Đức thống nhất vào ngày 3 tháng 10 năm 1990.[79] Từ năm 1999, Tòa nhà Quốc hội tại Berlin là nơi hội họp của Quốc hội Liên bang Đức.

Nước Đức thống nhất được nhìn nhận là sự mở rộng thêm Cộng hòa Liên bang Đức và không phải là một quốc gia kế thừa. Do đó, họ duy trì toàn bộ tư cách thành viên của Tây Đức trong các tổ chức quốc tế.[80] Dựa theo Đạo luật Berlin/Bonn được thông qua vào năm 1994, Berlin lại trở thành thủ đô của nước Đức tái thống nhất, trong khi Bonn duy trì vị thế duy nhất là một Bundesstadt (thành phố liên bang) giữ lại một số bộ của liên bang.[81] Việc di chuyển chính phủ hoàn thành vào năm 1999.[82] Sau bầu cử năm 1998, chính trị gia Gerhard Schröder của SPD trở thành thủ tướng đầu tiên của một liên minh đỏ-lục với đảng Liên minh 90/Đảng Xanh.

Hiện đại hóa và hội nhập kinh tế miền đông nước Đức là một quá trình lâu dài, được dự trù kéo dài cho đến năm 2019, với chuyển khoản hàng năm từ miền tây sang miền đông lên đến khoảng 80 tỷ USD.[83]

Đức trở thành một đồng sáng lập của Liên minh châu Âu (1993), sử dụng tiền Euro (2002), và ký kết Hiệp ước Lisboa vào năm 2007 (hình).

Kể từ khi tái thống nhất, Đức giữ một vai trò tích cực hơn trong Liên hiệp châu Âu. Cùng với các đối tác châu Âu, Đức ký kết Hiệp ước Maastricht vào năm 1992, lập ra Khu vực đồng euro vào năm 1999, và ký kết Hiệp ước Lisbon vào năm 2007.[84] Đức phái một lực lượng duy trì hòa bình đi đảm bảo ổn định tại Balkan và phái một lực lượng binh sĩ Đức đến Afghanistan trong một nỗ lực của NATO nhằm cung cấp an ninh tại đó sau khi Taliban bị lật đổ.[85] Các hành động triển khai này gây tranh luận do Đức bị hạn chế vì pháp luật chỉ cho phép triển khai binh sĩ trong vai trò phòng thủ.[86]

Sau bầu cử năm 2005, Angela Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức với vị thế là thủ lĩnh một đại liên minh.[38] Năm 2009, chính phủ Đức phê chuẩn một kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 50 tỷ euro nhằm bảo vệ một vài lĩnh vực khỏi suy thoái.[87]

Năm 2009, một liên minh tự do-bảo thủ dưới quyền Angela Merkel nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Năm 2013, một đại liên minh được lập ra trong nội các thứ ba của Angela Merkel. Trong số các dự án chính trị lớn của Đức vào đầu thế kỷ XXI có tiến bộ của hội nhập châu Âu, chuyển đổi năng lượng (Energiewende) sang nguồn cung cấp năng lượng bền vững, các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ sinh, và các chiến lược công nghệ cao nhằm chuyển đổi tương lai nền kinh tế Đức, tổng kết là Công nghiệp 4.0.[88]

Đức chịu tác động từ khủng hoảng di cư châu Âu năm 2015 khi quốc gia này trở thành điểm đến cuối cùng trong lựa chọn của hầu hết di dân vào EU. Quốc gia này tiếp nhận trên một triệu người tị nạn và phát triển một hệ thống hạn ngạch nhằm tái phân bổ các di dân khắp các bang của mình dựa trên thu nhập từ thuế và mật độ dân cư hiện hữu.[89]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đức http://www.yorku.ca/lbianchi/sts3700b/lecture17a.h... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003352.php http://people.idsia.ch/~juergen/nobelshare.html http://people.idsia.ch/~juergen/sci.html http://people.idsia.ch/~juergen/scinat.html http://www.aircraft-charter-world.com/airports/eur... http://www.bbc.com/news/business-12610268 http://www.bbc.com/news/magazine-29380144 http://www.bbc.com/news/magazine-32821678 http://www.bbc.com/news/world-europe-17299607